Khi chưa đủ điều kiện tài chính nhưng vẫn muốn “an cư lạc nghiệp” nhiều người sẽ chọn mua nhà chung cư trả góp. Trước khi thực hiện điều này, bạn cần tìm hiểu những thông tin và kinh nghiệm mua chung cư trả góp. Giúp bạn chủ động hơn trong quá trình mua nhà, tránh những rủi ro không cần thiết.
Một vài thông tin khi mua chung cư trả góp
Trước tiên chúng ta sẽ trả lời câu hỏi mua chung cư trả góp là gì? Mua chung cư trả góp là hình thức mua nhà chung cư không cần trả 100% giá trị căn hộ. Khi có ý định muốn mua nhà chung cư, bạn cùng chủ đầu tư sẽ kết hợp cùng với ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng sẽ cho người mua vay khoảng 70% giá trị căn nhà (bạn cần trả trước cho bên chủ đầu từ 30% giá trị căn nhà). Khoản vay 70% này ngân hàng sẽ trả giúp bạn. Việc của bạn là sẽ trả góp tiền gốc và lãi suất cho ngân hàng hằng tháng theo thời gian hai bên đã thỏa thuận.
Bạn không cần phải có hẳn một giá trị tiền to đùng nhưng vẫn sở hữu được căn nhà như mong muốn. Chính vì thế mà hình thức mua chung cư trả góp ngày càng phổ biến hơn.
Điều kiện mua chung cư trả góp
Nếu bạn đang có ý định mua chung cư trả góp ở hiện tại hoặc trong tương lai bạn cần biết về điều kiện mua chung cư trả góp sau. Bạn có thể tránh hoặc phân tích xem tình hình tài chính của bản thân có đủ để mua nhà trả góp hay không.
Lịch sử tài chính và thu nhập
Lịch sự tài chính sẽ liên quan đến lịch sử vay tín dụng của bạn. Trường hợp bạn chưa có lịch sử vay tín dụng, hãy giữ nguyên lí lịch sạch sẽ. Điều này giúp hồ sơ vay nhà của bạn đáng được tin cậy hơn. Trường hợp bạn đã vay tín dụng rồi, hãy xem xét xem bạn có vướng phải những điều không tốt sau đây không:
- Thanh toán tiền hằng tháng chậm cho các bên cho vay tín dụng
- Chưa thanh toán các khoản nợ thẻ tín dụng
- Không còn khả năng thanh toán các khoản nợ trước đó
- Bị kiện ra tòa vì không thanh toán khoản nợ
Nếu bạn bị vướng vào những điều nói trên, bạn sẽ bị liệt vào danh sách nợ xấu, nợ khó đòi. Hồ sơ vay nhà của bạn cần rất nhiều thời gian để được duyệt hoặc khả năng không được duyệt rất cao.
Tiếp theo, bạn phải chứng minh được nguồn thu nhập của mình trong 2 năm gần nhất. Thông thường trong hồ sơ vay, ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng sẽ yêu cầu bạn cung cấp hợp đồng lao động nhằm chứng minh công việc của bạn liên tục trong 2 năm gần nhất kèm bảng lương trong 6 tháng gần nhất. Tính ổn định của công việc và ổn định thu nhập sẽ rất được quan tâm trong quá trình duyệt hồ sơ.
Trường hợp, thu nhập của bạn giao động dựa trên những nguồn thu từ nhiều công việc khác nhau hoặc hoa hồng thì bạn phải chứng minh được tính tin cậy cũng như sự ổn định của nguồn thu. Có thể, bạn sẽ cần cung cấp tài khoản tiết kiệm hay quỹ đầu tư gần nhất nhằm phân tích dòng tiền trong 2 năm gần nhất.
Tình hình công việc
Như đã nói, tính ổn định trong công việc là mối quan tâm của các tổ chức cho vay. Quá trình công tác lâu dài ở một tổ chức hay doanh nghiệp sẽ là điểm cộng lớn cho hồ sơ của bạn. Nếu bạn thay đổi công việc nhiều trong 2 năm gần nhất, bạn phải cho thấy khoảng thời gian giữa 2 công việc không quá lâu, thu nhập không chênh lệch hoặc có thể cao hơn. Cần có giấy tờ liên quan để chứng minh cho điều này. Các điều kiện nói trên là nền tảng tiên quyết trước khi bạn có ý định mua chung cư trả góp.
Quy trình mua chung cư trả góp
Tìm hiểu trước về quy trình mua chung cư trả góp sẽ giúp bạn đỡ tốn thời gian và linh hoạt xử lý nếu có vấn đề gì xảy ra. Quy trình sẽ lần lượt có những bước sau:
Chuẩn bị hồ sơ trả góp
Hồ sơ mua trả góp gồm có 3 loại hồ sơ cơ bản sau: hồ sơ người mua, hồ sơ chứng minh mục đích vay vốn và hồ sơ thu nhập. Cụ thể:
- Hồ sơ người mua:
- Hộ khẩu/KT3
- Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu
- Giấy xác nhận tình trạng bản thân: kết hôn hay độc thân.
- Hồ sơ chứng thực được mục đích vay vốn
- Hồ sơ chứng thực được mục đích vay vốn
- Giấy đề nghị vay theo mẫu sẵn có tại nơi cho vay
- Hợp đồng mua bán nhà chung cư
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu cùng với hồ sơ pháp lý của căn hộ định mua
- Giấy tờ làm bằng chứng đã thanh toán bằng vốn tự có trước đó
- Hồ sơ thu nhập
- Thu nhập lương: hợp đồng lao động, bảng lương có dấu mộc của công ty hoặc bản sao kê nhận lương
- Thu nhập thuê tài sản: Hợp đồng cho thuê, hồ sơ pháp lý tài sản, giấy xác nhận thanh toán tiền cho thuê tài sản trong 3 tháng gần nhất
- Thu nhập kinh doanh bao gồm giấy phép đăng ký kinh doanh
- Bản hợp đồng tín dụng, bản sao kê thanh toán,…
Tìm hiểu về những hồ sơ cần chuẩn bị để vay ngân hàng sẽ giúp bạn linh hoạt và chủ động hơn trong quá trình mua nhà.
Thẩm định và định giá tài sản
Bước này ngân hàng và tổ chức cho vay sẽ tiến hành kiểm tra theo quy trình sau:
- Phân tích, kiểm tra tín dụng: lịch sử vay, có nợ xấu hay không
- Thẩm định qua số điện thoại
- Thẩm định tài sản, đi thực tế để đánh giá
Giải ngân
Sau quá trình thẩm định và định giá tài sản, ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân. Lúc này bạn có thể thở phào nhẹ nhõm vì hồ sơ vay của bạn đã đủ điều kiện vay vốn và được chấp thuận.
Giám sát và thanh lý hợp đồng
Sau khi giải ngân, ngân hàng sẽ kiểm tra xem người vay có đảm bảo trả nợ hay không. Khoản vay chung cư sẽ kết thúc trong khoản thời gian 20-25 năm.
Kinh nghiệm mua chung cư trả góp
Những kinh nghiệm mua chung cư trả góp vô cùng thực tế dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan và tránh những rủi ro có thể phòng tránh được khi mua nhà chung cư.
Khả năng tài chính
Vấn đề tài chính chắc chắn là vấn đề mấu chốt cần phải xem xét khi mua nhà chung cư trả góp. Khi có đủ tài chính mua nhà rồi thì bạn mới có thể quan tâm đến những vấn đề khác. Kinh nghiệm mua nhà chung cư trả góp về tài chính bạn phải quan tâm đến hai vấn đề sau:
- Bạn có khả năng thanh toán được 30% giá trị ngôi nhà bạn muốn mua. Thông thường, bạn cần phải đủ khả năng thanh toán 30% giá trị ngôi nhà và 70% còn lại sẽ được vay vốn tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Tốt nhất bạn cần đảm bảo được rằng bạn có đủ khả năng chi trả được 30%.
- Tiếp theo, bạn cần xem xét lịch sử tín dụng cũng như thu nhập và tài khoản tiết kiệm hàng tháng của mình có đủ chi trả khoản nợ vay, sinh hoạt hằng tháng hay không. Một kinh nghiệm dành cho bạn là khoản chi trả nợ vay hằng tháng không được vượt quá 50% tổng chi phí sinh hoạt của gia đình. Có như vậy mới không bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Phòng tránh rủi ro tài chính
Kinh nghiệm mua chung cư trả góp của nhiều người cho hay họ đã không biết đến những rủi ro tài chính có thể xảy ra như: áp lực tài chính sau khi mua nhà, thất nghiệp sau khi mua nhà, rủi ro lãi suất (những gói lãi suất qua lời giới thiệu của nhân viên ngân hàng như 7,5%/năm nhưng không nói thời hạn sử dụng của chúng khiến nhiều người mừng quá hóa mù vội ký hợp đồng).
Giải pháp cho những vấn đề trên bạn cần lập bảng kế hoạch rủi ro tài chính. Xác định và trả lời những câu hỏi sau:
- Năng lực tài chính hiện tại?
- Xác định khoản vay là bao nhiêu tiền, thời gian trả góp bao nhiêu lâu?
- Nếu vợ hoặc chồng thất nghiệp hay thị trường biến động thì xử lý như thế nào?
- Chính sách vay, cập nhật ưu đãi của các ngân hàng uy tín (Bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu và lựa chọn ngân hàng đảm bảo được lợi ích cho mình.)
Bạn có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia về vấn đề trên nếu kiến thức và thông tin của bản thân còn hạn chế. Điều này sẽ giúp bạn an toàn “đường dài” khi mua nhà.
Mua chung cư phù hợp với nhu cầu sử dụng
Xác định nhu cầu mua nhà chung cư của bạn. Mua nhà để ở trong thời gian ngắn hay dài. Có bao nhiêu người, cần bao nhiêu phòng để đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến của các thành viên trong gia đình để cân nhắc đưa ra quyết định.
Cùng là một dự án chung cư nhưng mức giá của các căn hộ chung cư sẽ khác nhau và có chênh lệch. Ví dụ chung cư tầng cao hơn sẽ có giá thấp hơn chung cư tầng thấp. Chung cư có thang máy sẽ mắc hơn chung cư có thang bộ.
Cần lưu ý và nắm vững toàn bộ thông tin dự án chung cư
Bất cứ khi nào bạn cần mua sản phẩm nào đó bạn cũng nên tìm hiểu thông tin, công dụng, ưu điểm, hạn chế và chính sách bảo hành. Mua nhà chung cư cũng vậy. Trước khi quyết định mua bạn cần phải tìm hiểu về tính pháp lý của dự án. Không ít câu chuyện dự án bất động sản vi phạm pháp luật bị thu hồi đất.
Giải pháp cho bạn là phải tìm hiểu về chủ đầu tư trước khi mua: có uy tín không? Đã thực hiện bao nhiêu dự án? Tình hình dự án hiện tại? Trách nhiệm pháp lý có bị ràng buộc bởi nhiều bên không? Căn hộ vẫn chưa chuyển nhượng cho bất cứ ai và dự án không nằm trong danh sách quy hoạch không được đền bù của nhà nước? Nếu cảm thấy dự án không đảm bảo được quyền lợi, bạn không nên dừng chân ở đây nữa và hãy tìm một dự án nhà chung cư khác.
Thăm dò và so sánh giá
Thăm dò, đánh giá và so sánh các dự án chung cư là điều cần thiết. Bạn nên tìm hiểu nhiều dự án trong một khu vực. Chính sự so sánh này sẽ giúp bạn lựa chọn được căn hộ phù hợp với nhu cầu và giá cả hợp lý.
Tìm hiểu chính sách trả góp của dự án
Những thông tin về chính sách trả góp của dự án hầu như đều được truyền thông đến khách hàng. Bạn không cần mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin này. Những yếu tố cần quan tâm đến: lãi suất, thời gian vay tối đa, thủ tục vay vốn như thế nào. Đây là những yếu tố sẽ liên quan đến bạn trong thời gian dài sau khi mua trả góp.
Tiến độ thi công dự án
Tiến độ thi công dự án sẽ gây ảnh hưởng đến các đợt thanh toán, cũng như thời gian nhận bàn giao. Thường thì bạn sẽ không được ở liền và phải đợi dự án hoàn thành để bàn giao. Thời gian này ít nhất là 16 tháng. Bạn cần kiểm tra tiến độ thi công dự án có đúng với hợp đồng hay không? Ai là thầu chính, tốc độ xây dựng một sàn và một block là bao nhiêu.
Tốt hơn hết, bạn phải liên tục theo dõi dự án và yêu cầu phía đầu tư cung cấp hình ảnh và số liệu về tiến độ xây dựng. Những dự án bị chậm tiến độ so với hợp đồng bạn hoàn toàn có thể kiện.
Đọc kỹ điều khoản hợp đồng
Trước khi đặt bút ký hợp đồng mua nhà bạn phải đọc kỹ điều khoản của hợp đồng. Hợp đồng mua nhà sẽ ghi rất chi tiết và rõ ràng quyền và nghĩa vụ của người mua và người bán. Ngoài việc xem xét thời gian giao nhà, đại diện pháp lý của hai bên, thời gian giao nhà,… bạn cần xem các khoản chi phí chung cư cần chi trả mỗi tháng là bao nhiêu. Điều này tránh phát sinh những khoản chi phí không nêu tên sau khi bạn chuyển vào ở.
Đừng bao giờ bỏ qua những cam kết bồi thường có ghi rõ trong hợp đồng. Có nhiều trường hợp bỏ qua phần này mà dẫn đến các sự việc như người mua phải đền tiền cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, đây cũng là quyền lợi được hưởng của bạn: đền bù khi giao nhà trễ hẹn, bồi thường khi có sự cố,…
Chọn chung cư có tiện ích đồng bộ
Thêm một kinh nghiệm mua chung cư trả góp dành cho bạn là nên lựa chọn những chung cư có tiện ích đồng bộ. Tức là, sẽ tốt hơn nếu bạn chọn những dự án có tích hợp thêm siêu thị, công viên, trường học, bệnh viện, dịch vụ ăn uống. Bạn sẽ chẳng cần di chuyển xa để tiếp cần những nhu cầu thiết yếu.
Các vấn đề khác
Những vấn đề khác khi mua chung cư có thể kể đến như: mật độ dân cư, số thang máy của chung cư, chỗ để xe được quy hoạch ra sao,… Đây là những vấn đề sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống thường ngày của bạn.
Mật độ dân cư trên 1 sàn cao sẽ khiến bạn cảm thấy phiền toái khi đợi thang máy giờ cao điểm. Chỗ để xe có diện tích hẹp khiến xe máy bị trầy xước hoặc mất nhiều thời gian để lấy xe khỏi tầng hầm,…
Hy vọng những chia sẻ về kinh nghiệm mua chung cư trả góp trong bài viết sẽ giúp bạn tự tin hơn, cũng như hỗ trợ kiến thức giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình lựa chọn tổ ấm tương lai của mình nhé!