- Default
- Bigger
Phong tục đi chúc tết là một trong những nét đẹp văn hóa ngày xuân năm mới đã có từ rất lâu đời. Tết không chỉ là dịp gia đình sum vầy, trao nhau những nụ cười, mà đây còn là thời gian dành cho nhau những lời chúc mừng, bày tỏ lòng hiếu thảo, tình yêu thương đến mọi người xung quanh. Mỗi lời chúc sẽ tượng trưng cho việc mong muốn một năm mới đầy sự an vui, may mắn và hạnh phúc cho người nhận. Phong tục này chính là một thứ không thể thiếu trong mỗi dịp xuân về của người Việt Nam.
Nguồn gốc về phong tục chúc tết ngày đầu năm mới
Tết chính là thời điểm chúng ta đón chào một năm mới, tạm biệt năm cũ, đón chờ khoảnh khắc giao mùa. Lúc này đất trời dường như cũng có sự đổi khác. Một năm mới với nhiều điều khởi đầu, ai cũng mang trong mình những ước mơ, hoài bão riêng. Tất cả đều mong đợi mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm tiếp theo.
Vì thế mà phong tục đi chúc tết ngày đầu năm mới cũng được hình thành. Họ trao nhau những lời chúc tốt đẹp, mong bạn bè, người thân đạt được ý nguyện riêng. Đây cũng là một truyền thống, phong tục cao đẹp của người Việt Nam vào các ngày đầu năm mới, được lưu truyền từ đời ông cha đến nay. Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, và cứ thế phong tục được truyền lại muôn đời.
Phong tục chúc tết những ngày đầu năm mới sẽ diễn ra như thế nào?
Phong tục chúc tết của người Việt Nam tata sẽ được tóm gọn trong câu nói: “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”.
Chúc tết vào mùng 1
Là ngày đầu tiên trong năm mới, mọi người trong ngày này thường sẽ hướng về nội tộc. Đây là lúc mọi gia đình sẽ đi chúc tết những người trong nhà nội. Đầu tiên là ông bà, sau đó sẽ đến cô, dì, chú, bác,… Mọi người cũng sẽ dâng hương lên bàn thờ gia tiên, sau đó dành những lời chúc tốt đẹp cho người thân thương của mình.
Chúc tết vào mùng 2
Mùng 2 sẽ là ngày bạn và gia đình sẽ đến và chúc tết bên họ ngoại. Đây cũng là thời điểm dành tặng cho mọi người những lời chúc may mắn, hỏi thăm sức khỏe, công việc của nhau trong một năm qua. Vẫn như họ nội, cả gia đình sẽ bắt đầu ghé thăm ông bà, sau đó đến các anh chị em gần xa trong họ hàng.
Chúc tết vào mùng 3
Mùng 3 là lúc bạn sẽ đi chúc tết những người có ơn dạy dỗ mình. Đó có thể là những thầy cô giáo hiện tại, những thầy cô trong quá khứ. Việc làm này cũng thể hiện được truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tôn sư trọng đạo của người Việt Nam ta từ xưa đến nay.
Ngoài việc chúc tết nhau, mọi người sẽ kèm theo những phong bao lì xì đỏ thắm. Việc làm này là để mọi người gửi đến nhau sức khỏe, gặp được nhiều may mắn, thuận lợi trong năm mới. Những phong bao này giúp mang đến sự vui vẻ, phấn khởi, gia tăng tình cảm giữa người tặng và những người nhận. Số tiền trong bao dù ít hay nhiều không quan trọng, mà quan trọng nhất chính là tấm lòng.
Ý nghĩa phong tục chúc tết đối với người Việt
Tết nguyên đán là một trong những ngày quan trọng, tươi vui nhất của đất nước. Phong tục chúc tết đầu năm, đi chúc tết chính là sự tri ân của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, cô thầy,… Phong tục còn khẳng định nét văn hóa bản địa của người Việt. Đây là truyền thống được người dân gìn giữ qua bao đời nay. Dù cuộc sống này có nhiều sự thay đổi, có tác động ít nhiều đến giá trị cốt lõi nguyên bản của phong tục. Song trong tương lai, chắc chắn phong tục đi chúc tết đầu năm vẫn sẽ được gìn giữ và lưu truyền vì ý nghĩa cao đẹp mà nó mang đến.
Những điều kiêng kỵ cần tránh khi đi chúc tết đầu năm
Bên cạnh những việc nên làm, có những điều cần tránh làm vào những ngày tết chẳng hạn như:
Nói những điều không may thay vì những điều tốt
Dịp tết đến, xuân về ta chỉ nên nói những thứ may mắn, thuận lợi, hy vọng đẹp đẽ vào tương lai. Những điều xui xẻo thường sẽ là những lời kiêng kỵ, gây ảnh hưởng đến năm mới mà bạn không nên nói ra. Cũng giống với việc ngày đầu năm mới không nên làm vỡ bát, đĩa. Bạn cũng cần chú ý tránh nói các câu cửa miệng như “Chết rồi!”, “Thôi xong!”… Thay vì những lời không may, hãy cố gắng gửi đến người thân những lời hay, ý đẹp. Lời chúc tết sau hay sẽ mang đến hy vọng cho một năm mới tràn ngập vận khí tốt.
Đi chúc tết vào buổi sáng mùng 1
Mặc dù việc chúc tết vào ngày mùng 1 là một phong tục có từ lâu đời. Nhưng người Việt ta còn có một phong tục khác chính là xông đất đầu năm. Người đầu tiên bước vào nhà trong ngày này sẽ là người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người này cần hợp tuổi, hợp mệnh với gia chủ. Vậy nên, bạn chỉ nên xông đất vào sáng mùng 1 nếu hợp với gia chủ hoặc được mời đến. Nếu không, bạn cần tránh đi đến chúc tết vào buổi sáng sớm mùng 1. Hoặc bạn cũng có thể tránh được việc này bằng cách gọi điện thoại thông báo trước.
Mặc quần áo có màu đen hoặc trắng đi chúc tết
Quan niệm của người Việt ta từ xưa đến nay cho rằng màu sắc này tượng trưng cho vận rủi và tang tóc. Nếu là đi chúc tết, bạn nên tránh mặc hai màu sắc này để không làm mất lòng gia chủ. Nếu muốn dùng 2 màu này, bạn nên phối cùng các màu khác. Đặc biệt, nên sử dụng màu đỏ – màu sắc tượng trưng cho may mắn.
Đánh thức người khác dậy trong ngày đầu năm mới
Trong những ngày đầu năm mới, bạn nên hạn chế đánh thức người khác dậy, đặc biệt là nếu bạn đi chúc tết. Điều này mang ý nghĩa khiến gia chủ sẽ luôn bị thúc giục trong cả một năm mới sắp tới. Nếu họ chưa thức giấc bạn có thể quay lại để mừng tuổi sau đó.
Chúc tết khi đang trong quá trình mang thai
Theo quan niệm dân gian, những người phụ nữ đang mang thai nên hạn chế đi chúc tết vào đầu năm mới. Bởi người xưa quan niệm, người có bầu sẽ mang đến các điềm không hay. Bạn có thể gửi lời chúc từ xa cho gia chủ, như vậy là đã đủ thể hiện được thành ý của bạn rồi nhé.
Tặng hoặc biếu những món đồ kiêng kỵ
Thường khi đi đến nhà người khác chúc tết, mọi người sẽ thường mang theo quà cáp để biếu tặng cho gia chủ. Tuy nhiên, có 7 món đồ bạn cần tránh khi tặng quà vào dịp tết đầu năm mới bởi chúng sẽ đem đến điềm xấu. Các món quà đó cụ thể là: hạt tiêu, kéo, dao, cà phê, mèo, đồng hồ và cá mực. Bạn có thể thay những món này bằng các loại bánh mứt khác. Nếu không bạn chỉ cần một lời chúc năm mới thật ý nghĩa. Đó đã đủ những gì mà mọi người cần trong dịp năm mới rồi đấy.
Chúc tết khi đang chịu tang gia đình
Người chịu tang nên gửi quà tặng kèm lời chúc ý nghĩa đến với người khác thay vì trực tiếp đẹn họ. Lý do là vì những người chịu tang có uất khí xung quanh sẽ làm hỏng bầu không khí vui vẻ ngày tết.
Khi đi chúc tết đầu năm bạn cần lưu ý những gì?
Tinh thần chung của ngày tết chính là mang đến sự niềm nở, hân hoan và cả những thành ý. Và việc chúc tụng họ hàng cũng cần đảm bảo những yếu tố này. Về tinh thần: lời chúc của bạn luôn phải mang theo sự thành ý của người chúc. Chính vì thế, một nét mặt tươi tắn, chuẩn bị gọn gàng là điều nên làm trước khi đến chúc tết họ hàng, ông bà.
Người ta vẫn thường có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Bình thường bạn có thể thân thiết hơn với một số người trong gia đình họ hàng. Nhưng khi đi chúc tết bạn nên biết cách cư xử chừng mực. Một lời chào lễ phép không chỉ giúp giữ đúng lễ nghi mà nó còn đặc biệt quan trọng với người lớn trong nhà. Đặc biệt trong ngày tết, tránh đặt những câu hỏi gây mất thiện cảm với người khác. Dù rằng rất quan tâm đến họ hàng và rất muốn biết tổng thể cuộc sống của mọi người ra sao. Song một số câu hỏi vẫn cần phải tránh vì chúng bị tính là tọc mạch, vô duyên.
Chẳng hạn như: “bao giờ lấy chồng/vợ?”. Câu chuyện tình duyên không phải lúc nào cũng suôn sẻ, và đó cũng không phải là một chủ đề dễ dàng chia sẻ. Khi đặt câu hỏi như thế này có thể khiến người khác cảm thấy bối rối. Bạn cũng không nên đặt những câu hỏi về con số chính xác thu nhập của họ hàng. Nếu bạn có quan tâm tới mức sống hay điều kiện sống thì bạn cũng chỉ nên hỏi chung chung chẳng hạn như: “công việc có thuận lợi hay không?”
Đi chúc tết nên nói gì? Những câu chúc tết hay nhất dành cho người lớn tuổi
Khi đi chúc tết người lớn, lời chúc của bạn không nên quá dài dòng, hoa mỹ. Nó chỉ cần sự ngắn gọn, dễ nghe là đủ.
Câu 1: Sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý
Đây là một câu chúc tết kinh điển, rất truyền thống, nhưng nó giàu ý nghĩa và đặc biệt thiết thực. Lời chúc tết này khá mộc mạc, giản dị, nhưng dễ nhớ và tràn đầy tình yêu thương dành cho người được chúc, đặc biệt là đối với người lớn tuổi. Để có thể kéo dài tuổi thọ thì cần có một thân thể khỏe mạnh. Để yên hưởng hạnh phúc gia đình lại cần sự suôn sẻ, như ý trong mọi vấn đề. Đó là tất cả những gì người lớn tuổi mong mỏi, hy vọng.
Câu 2: Thân tâm thường an lạc, vạn sự cát tường như ý
Một lời chúc với các từ ngữ Hán Việt khá ngắn gọn, súc tích nhưng lại vô cùng sâu sắc. Câu chúc này khá phù hợp với các gia đình có sự tin yêu với Phật pháp. Bạn có thể gửi lời chúc này đến những người lớn tuổi trong nhà. Mong muốn họ luôn được an yên, hạnh phúc.
Câu 3: Sức khỏe dồi dào, con cháu đầy đàn, dâu hiền, cháu thảo
Những bậc trưởng bối trong gia đình luôn có mong muốn được hưởng thú vui đoàn viên bên con cháu. Và đây cũng chính là một câu chúc phù hợp, ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa dành cho họ. Họ cũng mong muốn gia đình luôn thuận hòa, con cháu hiếu thảo, yêu thương nhau.
Câu 4: Phúc như đông hải, thọ tỷ nam sơn
Câu chúc này không chỉ dừng lại là một lời chúc tết hay, mà nó còn có thể dùng trong các dịp chúc thọ. Khi đi chúc tết bạn cũng nên lồng ghép lời chúc vào câu nói này để có đầu có đuôi. Chẳng hạn như: “Nhân dịp đầu năm mới, cháu chúc ông bà Phúc như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn”.
Câu 5: Bốn mùa mạnh khỏe. Quanh năm sung túc, an vui
Do tuổi tác, những người cao tuổi thường hay ốm vặt và gặp một vài vấn đề về sức khỏe. Khi đi chúc tết, bạn nên chúc họ sức khỏe, may mắn và bình an, nhiều điều vui vẻ trong cuộc sống. Ngoài ra, sự hòa thuận, hiếu thảo của con cháu cũng là một trong những điều mà các cụ luôn mong mỏi. Chúc tết dịp đầu năm mới nên hướng đến những điều này.
Đi chúc tết là một trong những hành động không thể thiếu vào ngày đầu năm mới. Nó không chỉ là phong tục tập quán mà còn là một nét đẹp văn hóa của Việt Nam ta cần gìn giữ, lưu truyền. Mỗi năm chỉ có ba ngày tết, bạn nên tìm hiểu và nắm rõ những nguyên tắc trên đây để có những ngày đầu năm mới suôn sẻ, thuận lợi, nhận được nhiều niềm vui, hạnh phúc.